Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Cây quýt đường ở huyện miền núi Tân Phú (Đồng Nai): Vị ngọt đã về, nỗi lo chưa dứt

Từ nhiều năm qua, cây quýt đường đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu ở huyện miền núi Tân Phú (Đồng Nai). Tuy nhiên, đến nay nhiều vườn quýt đã bắt đầu "đổ bệnh", nhà vườn bắt đầu lo canh cánh...* Trồng quýt lãi to
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn quýt đang vào mùa chín rộ, chị Nguyễn Thị Bạch Xuân, chủ trang trại quýt rộng hơn 20 hécta ở ấp 6B, xã Núi Tượng (huyện Tân Phú) thổ lộ: "Năm nay, cây quýt bị bệnh nhiều khiến năng suất giảm đáng kể. Tuy nhiên, có lẽ do thất mùa nên trái quýt đường hiện được mua với giá cao hơn mọi năm, khoảng 10 ngàn đồng/kg. Nếu giữ được giá bình ổn như vậy, dù không trúng mùa thì người trồng quýt vẫn có lãi".
Với kinh nghiệm nhiều năm trồng loại cây ăn trái này, chị Xuân cho biết, mỗi hécta quýt nếu trúng mùa có thể đạt năng suất đến 40 tấn và sau khi trừ hết chi phí sản xuất, người nông dân còn lãi được khoảng 30%. Hiện tại mỗi ngày trang trại của gia đình chị Xuân thu từ 4 - 10 tấn quýt. Chị Xuân nhận định, dù thất mùa nhưng năm nay ít nhất mỗi hécta gia đình chị cũng thu từ 150 triệu đồng trở lên. Ở ấp 6B này, trang trại trồng quýt của gia đình chị Xuân không chỉ được biết đến bởi có diện tích lớn nhất, mà còn là một trong những trang trại đầu tư quy mô nhất cho cây quýt.
Đi trên con đường liên ấp 6A và 6B của xã Núi Tượng chạy dọc bờ sông Đồng Nai, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy trên vùng đất này có khá nhiều căn nhà xây dựng khang trang. Anh Nguyễn Hữu Sử, ở ấp 6A, nói với chúng tôi, không ít căn nhà đó được xây dựng nhờ tiền trồng quýt. Anh Sử còn khoe với chúng tôi, tuy chỉ có 6 sào đất với hơn 400 gốc quýt nhưng anh cũng xây được căn nhà với kinh phí hơn 250 triệu đồng. Đến ấp 6B, anh Trần Văn Cẩn cũng cho hay căn nhà của anh chị xây năm 2008 với kinh phí gần 200 triệu đồng. Đó cũng là số tiền anh chị tích cóp được sau nhiều năm trồng quýt. Anh Cẩn cho biết, quê anh ở tận Bạc Liêu, vì không có ruộng vườn nên anh chị theo chân những người cùng quê lên Đồng Nai lập nghiệp. Như bao người khác, thời gian đầu anh chị trồng lúa rẫy để có gạo ăn, cuộc sống rất khó khăn. "Hồi đó, ngày nào cũng lo kiếm cái ăn, và kiếm được cái gì thì ăn cái đó. Thật tình, tôi chẳng dám nghĩ có ngày mình sẽ cất được căn nhà như hôm nay".* Vẫn lo canh cánh
Đối với gia đình anh Cẩn, cũng như nhiều nông dân khác trên vùng đất này, cây quýt đường đã thực sự giúp họ "đổi đời". Thế nhưng, cây ăn trái được xem như là "cứu cánh" của nông dân vùng sâu, vùng xa này lại đang khiến người trồng nó phải lo lắng, bởi nhiều vườn quýt có dấu hiệu bị già cỗi, ít ra trái, đã vậy trái còn bị sâu bệnh, thậm chí chết cây. Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Núi Tượng, cho biết: "Cây quýt phát triển mạnh từ 5 - 6 năm nay, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương, nhưng tiếc rằng, đến nay nhiều diện tích đã bị già cỗi và người dân đã chuyển sang trồng các loại cây khác như cà phê, măng 
Cây trồng lâu năm thì phải cỗi, nhưng với những vườn quýt trồng chỉ mới có 5 - 6 năm đã chết, khiến một số nhà vườn xem đó là chuyện không bình thường. Ông Mai Trọng Hùng, ở ấp 6B, bộc bạch: Do muốn vườn quýt đạt năng suất cao, các chủ vườn thường dùng rất nhiều phân vô cơ bón cho cây và rất ít phân hữu cơ. Vì thế, đất đai càng ngày trở nên chai cứng. Bên cạnh đó, người trồng quýt muốn trái đậu nhiều và không bị hư rụng phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, rồi đến thuốc diệt cỏ... Những hóa chất này tích tụ sau nhiều năm sẽ làm cho đất bị "ngộ độc". Ông Hùng nói: "Cứ đầu độc đất đai như vậy, đến cỏ còn không mọc nổi nữa, nói chi đến cây trồng - làm sao mà không bị ảnh hưởng".
Được biết, xã Núi Tượng hiện có 632 hécta cây trồng lâu năm, trong đó diện tích các loại cây trồng có múi nói chung như cam, quýt và bưởi chiếm khoảng 200 hécta. Các nhà vườn trồng quýt đường chủ yếu ở các ấp nằm ven sông Đồng Nai.
Cây quýt đường - dù có những lúc thăng trầm nhưng vẫn cho thấy, đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, đặc biệt thích hợp đối với người có ít đất sản xuất. Vì thế, việc chặt bỏ nó để thay thế các loại cây khác là chuyện bất đắc dĩ. Với những vườn quýt còn lại, hiện các chủ vườn đang tìm mọi cách để "cứu" lấy quýt.
Chi Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét