Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

NHỮNG LOÀI CHIM NÀO HÓT HAY?

Tứ đại danh ca trong làng chim
Trong các thú chơi, có lẽ thú chơi chim hót đã lôi cuốn được nhiều người nhất. Sau một ngày lao động vất vả, sáng dậy được nghe chim hót trong bụi cây, luỹ tre, nghe như tâm hồn mình bay theo cánh chim.
Những người say tiếng chim hót đều có một nhận xét giống nhau: Có bốn loài chim có tiếng hót hay: “Mỗi con một tiếng hót, mười phân vẹn mười”. Đó là:
Sơn ca
Tên khoa học là Alauda Arvensis, thuộc họ ALAUDIDAE, có mặt từ Âu sang Á. Sơn ca nhỏ, chỉ đi không nhảy. Sắc lông từ vàng nhạt đến nâu đậm. Ngón chân sau khá dài, ăn sâu bọ và hạt. Mùa xuân kết đôi, đẻ từ 3 đến 5 trứng. Cuộc sống đôi trống mái rất thân mật. Cả hai đều ấp và nuôi con. Ngày nay người ta dùng thức ăn tổng hợp, chim vẫn khoẻ mạnh, dễ nuôi.
Sơn ca có tiếng hót rất hay, trong và cao. Sơn ca có tập tính bay vút lên cao rồi từ từ hạ cánh, vừa hạ cánh vừa hót từng hồi. Vì vậy lồng nuôi Sơn ca phải cao đến hơn một mét. Chim trống có ngù lông ở đầu, tiếng chim trống vang, trong - có ba thể âm gọi là tam thanh.
Tam thanh:
* Giọng thanh phải cao, trong, không chóe, không chói tai.
* Giọng bình phải đều, êm dịu, uyển chuyển, không đục.
* Giọng trầm ấm áp, không rè.
 
Tứ tuyệt
* Âm tuyệt (như tam thanh).
* Điệu tuyệt là tiết tấu rộn ràng, nhịp nhàng tươi sáng.
* Thế tuyệt là phong cách, lúc hót phải đậu nơi đỉnh cao, vươn cổ, rung cánh, mào dựng.
* Thì tuyệt: Hót lâu, không đứt quãng, không sợ khi có đối thủ.
 
 
CHIM SƠN CA

Họa mi
Có nhiều ở vùng núi phía Bắc giáp với Trung Hoa. Dường như càng vào phía Nam lông chim càng nhạt dần: Mầu nâu đậm chuyển dần thành mầu vàng rơm.
Chim Hoạ mi màu lông không đẹp nhưng có viền mắt màu lam nên gọi là Hoạ mi. Để có một Hoạ mi hay phải chọn theo tiêu chuẩn:
* Trường: Thân, đuôi, mỏ, chân, mí mắt phải dài.
* Đoản: Các bộ phận trên ngắn đều. Loại này dễ dạn người hơn nhưng tiếng hót không hay bằng “tướng ngũ trường”.
Hầu hết Hoạ mi đều nhát người nên khó thuần. Muốn chim dạn phải nuôi lâu hay nuôi chim con. Hoạ mi có giọng hót rất hay:
* Giọng hồi: Tiếng hót đổ dồn từ cao xuống thấp.
* Giọng đổ: Tiếng hót có một độ cao, rung rất đều như tiếng rung cần violon (mã vĩ).
* Giọng ngắt: Tiếng hót nghẹn ngào, đứt quãng.
 

Chích choè
Người ta phân Chích choè theo sắc lông: Sắc đen trắng, sắc màu đen, sắc nâu đen khá đẹp, mang vẻ dáng văn nhân với cái đuôi dài tha thướt. Loại đen trắng hình dáng tuy không đẹp bằng loại nâu đen nhưng dễ thuần thục, dễ nuôi. Loại sắc đen trắng gọi là Chìa vôi.
Tiếng hót Chích choè than to, vang, đủ các giọng hồi, giọng đổ và hay hót, dạn người. Giọng than có đủ các cung bậc cao, thấp và trầm, khi rung như đàn violon.
Tuy giọng hót không dồn như Hoạ mi nhưng Chích choè  than vẫn được xếp vào làng tứ đại danh ca vì thường hót suốt ngày, giọng thanh trong
Chích choè lửa có tiếng hót rất trong, hay nhất là lúc sáng sớm  nhưng có nhược điểm là yếu, khó nuôi, khảnh ăn. Nó chỉ thích ăn sâu bọ, trứng kiến vì thế nên không được ưa chuộng như các thứ chim trên.
chích choè than

chich choe lửa

 
Thổ đồng
Còn gọi là Cu gáy. Chim có màu lông nâu nhạt, con trống có cườm ở cổ. Khi lông cườm xuất hiện là chim bắt đầu hót. Chim Thổ đồng có giọng trầm, từng hồi. Nghe buồn buồn nhất là vào buổi trưa. Để có một con chim gáy hay người chọn chim có bài vè:
Đầu nhỏ, mỏ đinh
Cườm nhặt, dóng quanh
Mình thon bắp chuối
Lông xoay con cúi
Chân ngắn đỏ sần
Tiếng vọng hồ âm
Gáy hoài không mệt
 
Người ta phân biệt các giọng của Cu gáy:
* Chu: Tiếng gáy rền.
* Mơ:  Tiếng gáy như vọng từ xa.
* Lèo: Tiếng gáy “cù” sau cùng kéo dài.
* Ngắt: Tiếng ngắt giữa nhịp: đanh.
* Dồn: Khi đứng trước đối thủ phải gáy dồn, thúc giục.
* Đảo: Gáy rồi, gáy lại – thời gian lâu.

 
Mỗi loài chim có một tiếng hót riêng, một cách biểu diễn riêng. Vì những tích cách riêng biệt ấy mà chúng được xếp vào “Tứ đại danh ca trong làng chim” thật không sai. 
 
Nguyễn Phúc Liêm_CTQ số 16

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét