Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Trắng tay vì thuốc tạo trầm kém chất lượng

(TN&MT) - Gần đây, ông Trần Hoàng Tuấn (xã Núi Tượng, huyện Tân Phú, Đồng Nai) và nhiều người dân huyện Tân Phú như ngồi trên đống lửa. Bởi hàng ngàn cây dó bầu họ bỏ bao công sức chăm sóc trong 10 năm qua, tốn thêm hàng tỉ đồng mua thuốc tạo trầm, giờ chẳng những không thấy trầm đâu mà chỉ toàn… “trầm ngâm”, khiến họ trắng tay.
Bạc tỉ trôi theo “giấc mơ trầm”
Mười năm trước, biết người dân miền Trung trồng thành công cây dó bầu và dùng phương pháp nhân tạo để ra trầm, ông Trần Hoàng Tuấn đã lặn lội ra tận tỉnh Quảng Nam học hỏi. Sau đó, ông Tuấn mua giống về trồng trên diện tích 24ha tại vườn nhà ở huyện Tân Phú, tổng số lượng 10.000 cây dó bầu.
Ông Trần Hoàng Tuấn thẫn thờ với mớ “trầm ngâm” của mình giờ kêu bán mà chẳng ai thèm mua
Giữa năm 2012, khi cây dó của mình đã cao trên 10m, nghe ông Trương Thanh Khoan (tổ 3, ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú), người bán thuốc tạo trầm với tên gọi DREAM (giấc mơ), cam kết thuốc này chỉ gồm các hợp chất sinh học và không sử dụng hóa chất, giá bán 220.000 đồng/lít. Sau khi cấy thuốc thì 7 tháng sẽ có trầm, giá bán 5 triệu đồng/kg trầm, nếu không có trầm sẽ bồi thường. Nhẩm tính, trung bình mỗi cây dó sẽ đem về cho mình 10-15 triệu đồng. Hám lợi, cả tin… ông Tuấn bỏ ra 1,6 tỉ đồng mua thuốc của ông Khoan về cấy thử cho 4.000 cây dó của mình.
Ông Khoan cam kết, chỉ cần cấy 2 lần thuốc sẽ có trầm. Thế nhưng, sau hai lần bỏ tiền cấy thuốc mà vẫn chỉ thấy… trầm ngâm, ông Tuấn “mắng vốn” thì ông Khoan lại “dỗ ngon dỗ ngọt”, bảo cấy thêm hai lần nữa chắc chắn sẽ có. Đâm lao phải theo lao, ông Tuấn “nghiến răng” mua thêm hai lần thuốc Dream nữa, chờ dài cổ đến nay đã 15 tháng mà cũng chả thấy trầm đâu.
“Tiền mua thuốc hết 1,6 tỉ đồng, nhân công cấy thuốc hết 400 triệu nữa, tổng cộng tui bỏ ra 2 tỉ đồng. Mới đây, kiểm tra thì chỉ 100 cây có tí trầm, ông Khoan kêu tui cho sủi, bán được có 20 triệu đồng, trong khi công sủi mất 15 triệu. Kết quả, tui bỏ ra 2 tỉ đồng mà thu về được có 5 triệu đồng”, ông Tuấn than.
Đau xót hơn, bà Đỗ Thị Lý (tổ 2, ấp 10, xã Nam Cát Tiên, Tân Phú) có 4.300 cây dó bầu trên diện tích 4,3ha, cũng trồng từ 2002. Nghe lời ông Khoan hứa hẹn chắc chắn sẽ có trầm, nếu không sẽ bồi thường, bà Lý bỏ ra 1,5 tỉ đồng mua thuốc cấy cho cả vườn dó bầu của mình. Đến giờ 3 năm đã trôi qua, trầm đâu chẳng thấy mà cây dó thì bị phá bộng, chết hết do bị khoan cây quét thuốc vào, nhiều cây thì bị gãy ngổn ngang… lên đến con số 900.
“Nhiều người mua thuốc của người khác cùng thời điểm với tôi, giờ đã thu hoạch trầm, đem lại 5-10 triệu đồng/cây. Bỏ rẻ mức 5 triệu đồng/cây thôi thì tôi đã bị thiệt hại 4,5 tỉ đồng cho 900 cây bị chết, đó là chưa nói số còn sống cũng đang… ngắc ngoải. Cộng với 1,5 tỉ đồng mua thuốc của ông Khoan, tổng thiệt hại thành 6 tỉ đồng. Thế mà khi tôi đòi, ông Khoan phủi tay. Tức mình, tôi làm đơn kiện ông Khoan ra TAND huyện Tân Phú thì tòa không thụ lý, kêu tôi làm đơn gửi công an. Tôi tố cáo hành vi lừa đảo của ông Khoan lên Công an huyện Tân Phú và nơi này đang thụ lý” - ông Trần Đình Thi, chồng bà Lý, cho biết.
Bà Đỗ Thị Lý bên vườn dó bầu bị chết trắng sau khi cấy thuốc ông Khoan
Ông Ngô Duy Tư, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trầm hương huyện Tân Phú, khẳng định thuốc của ông Khoan không phải thuốc vi sinh mà toàn hóa chất, do đó khiến cây dó bị chết là đương nhiên. Ông Khoan không phải hội viên CLB trầm hương Tân Phú và cũng không phải là hội viên Hội trầm hương Việt Nam. Theo ông Tư, con số nạn nhân của ông Khoan không chỉ dừng lại ở ông Tuấn, ông Thi… mà còn nhiều người khác.
“Nhiều hộ mua thuốc của ông Khoan hàng ngàn lít, mất một số tiền rất lớn nhưng cho đến nay đều trắng tay, không có trầm, như: Bà Mai ở Long Khánh mua 1.000 lít, anh Hồng công an Xuân Lộc mua 1.000 lít, ông Oanh ở Sông Ray mua 1.000 lít, chùa Pháp Hoa ở huyện Định Quán mua 1.000 lít, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Phú Lộc (huyện Tân Phú) mua 500 lít…”, ông Tư nói.
Cấp bằng khen cho… thuốc kém chất lượng?
Tháng 3.2011, ông Khoan bắt đầu chế tạo thuốc tạo trầm, đi cấy thử nghiệm. Đầu tháng 4.2011, ông đề nghị Hội trầm hương Việt Nam và CLB trầm hương Tân Phú xin được cấy khảo nghiệm loại thuốc do ông sản xuất. Thấy vậy, Hội trầm hương Việt Nam giao CLB trầm hương Tân Phú giám sát quá trình cấy khảo nghiệm. Thế nhưng, trong khi hai đơn vị chuyên môn này chưa ý kiến thì đùng một cái, tháng 11.2011, ông Khoan được Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai (Sở KHCN) cấp bằng sáng chế. Dựa trên đề nghị của Sở KHCN, ngay lập tức, tháng 1.2012, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái ký bằng khen cho ông Khoan về “chế phẩm kích thích cây dó để tạo trầm hương”. Từ ngày có bằng khen, ông Khoan đi “nổ” khắp nơi khiến nhiều người “dính chưởng”.
“Cơ sở khoa học và kết quả thực tế nào mà Sở KHCN dám cấp bằng sáng chế cho ông Khoan? Bởi, muốn tạo trầm để thị trường chấp nhận phải mất ít nhất 18 tháng. Do đó, với thời gian tám tháng chưa đủ để cây dó hình thành trầm chứ đừng nói đến chuyện trầm đạt chất lượng. Chúng tôi thấy rằng từ khi ông Khoan cho cấy thử thuốc (3.2011) đến khi nhận giải (11.2011) chỉ mất tám tháng là hết sức vô lý. Chưa nói, theo đánh giá của cá nhân tôi, thuốc của anh Khoan kém chất lượng nhất trong số 19 loại thuốc tạo trầm đang bán trên thị trường” - ông Ngô Duy Tư, Chủ nhiệm CLB trầm hương Tân Phú, nhận xét.
Trước tình trạng loạn thuốc tạo trầm như hiện nay, ông Trần Hợp, Chủ tịch Hội trầm hương Việt Nam, cho biết hội từng kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ định một đơn vị kiểm tra các loại thuốc tạo trầm và cấp chứng chỉ lưu hành nhằm giúp người trồng dó bầu mua được thuốc chất lượng tốt. Song, chính Hội trầm hương cũng thừa nhận, đây là việc rất khó thực hiện trong thời gian ngắn. Do vậy, trong thời gian chờ các giải pháp hữu hiệu từ cơ quan chức năng thì người trồng dó bầu phải “sống chung với lũ”. Nghĩa là, sẽ có người may mắn mua được thuốc chất lượng tốt, sẽ làm giàu và ngược lại, có người trắng tay sau 10 năm trồng dó đợi trầm.
 Bài & ảnh: Vĩnh Yên - Theo báo Tài nguyên môi trường- nguồn:  http://tainguyenmoitruong.com.vn/trang-tay-vi-thuoc-tao-tram-kem-chat-luong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét