Nhờ bí quyết tạo trầm trên cây gió mà ông Trương Công Lương (50 tuổi, trú tại thôn Bình Phước, thị trấn Tiên Kỳ, H.Tiên Phước, Quảng Nam) có thể kiếm được hàng tỉ đồng mỗi năm.
Ông Lương hướng dẫn công nhân gia công trầm mỹ nghệ - Ảnh: Hoàng Sơn |
Đó là năm 2003, khi ông Lương mua 105 cây gió trên 5 năm tuổi để thử nghiệm “bài thuốc” tạo trầm của mình. Thế nhưng khi bơm dung dịch này vào thân cây, do thuốc chưa đạt chất lượng nên 95 cây héo quắt rồi chết. “Thời điểm đó, 105 cây gió giá 210 triệu đồng (2 triệu đồng/cây) là cả gia tài, cây chết tôi tưởng mình cũng sạt nghiệp. Nhưng may mắn là 10 cây còn lại đã bước đầu cho trầm, nhờ thế mà tôi gỡ được vốn. Dẫu biết tạo trầm thành công là 1 “ăn” 10 nhưng sau bài học đó, tôi luôn nhắc mình không vội vã và phải cẩn thận trong từng khâu kỹ thuật”, ông Lương nói.
|
Quyết định chuyển hẳn sang nghề buôn bán trầm hương nhưng ông Lương cũng lấn cấn, nếu cứ đào bới cây trong tự nhiên thì “năm thì, mười họa” mới có một cây, như vậy sẽ rất khó gắn bó với nghề. Vốn là một người khá am hiểu về khoa học tự nhiên, từ năm 2003 - 2008, ông Lương đã mua rất nhiều loại hóa chất về pha chế, tạo dung dịch phù hợp cho cây gió. 5 năm miệt mài nghiên cứu, cuối cùng đến cuối năm 2008, ông đã tìm ra công thức hóa học của 2 loại dung dịch gồm một loại ba zơ và một loại a xít. Khi bơm cùng lúc ba zơ vào ngọn, a xít vào gốc thì cây gió sẽ cho trầm đúng như ý muốn. Chất lượng trầm cao nhất cho 1 kg, được các thương lái thu mua với giá 10 triệu đồng. Nhờ hai dung dịch này mà năm 2010, cuộc sống gia đình ông Lương trở nên khá giả. Ông mua được đất, xây được nhà nhờ bán được số trầm hương trị giá 4 tỉ đồng.
Trầm hương nhân tạo xuất ngoại
Những gốc gió 7 năm tuổi trở lên sau khi được ông Lương “phù phép” có thể cho trầm sau 20 tháng khiến nhiều người khai thác trầm chuyên nghiệp không khỏi ngỡ ngàng. Bởi từ nhiều năm qua, để có được trầm người ta phải chờ đợi, săn lùng những cây gió có tuổi thọ hàng chục năm. Ông Lương cho biết: “Quá trình tìm hiểu thực tế cùng đọc nhiều tài liệu liên quan đến cây gió, tôi được biết, để loại cây này cho trầm thì nguyên tắc phải có vết thương trên cây. Khi đó, theo cơ chế phản vệ cây sẽ tự tiết ra chất dầu kháng thể bao quanh vết thương để chống lại sự xâm nhập có hại từ môi trường. Lớp dầu tích tụ trong thời gian dài đó chính là trầm”.
Theo ông Lương, trong tự nhiên những cây gió nào bị gãy hoặc thân cây bị bong vỏ lâu năm mới có trầm. Còn với cây gió được trồng, để tạo trầm người ta thường đóng đinh sắt sâu vào thân cây nhằm tạo vết thương. Tuy nhiên, với cách này trầm bán ra không được giá, thường thì chỉ khoảng 7 triệu đồng/kg. “Dung dịch do tôi tự pha chế để bơm vào cây gió có thể cho ra tối đa 15 kg trầm/cây đường kính 30 cm. Trầm đạt chuẩn: nhiều tinh dầu, có màu đen xanh, bóng đều, khi đốt có mùi thơm, giá bán tối đa có thể đạt trên 10 triệu đồng/kg. Do không khác với trầm tự nhiên nên đã không ít khách từ các nước: Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… đặt hàng tôi để mang về nước”, ông Lương chia sẻ.
Trồng ở độ cao trên 700 m, cây gió bầu núi Cấm (An Giang) hứng sương mù quanh năm nên cho hương trầm phảng phất.
Một miếng trầm hương đã được đẽo hoàn chỉnh |
Lên núi “săn” trầm
|
Trầm hương (gió bầu, tóc) là loại cây được trồng khá nhiều ở vùng Bảy Núi. Tuy nhiên, chỉ có ở núi Cấm, cây gió bầu mới cho lượng trầm thơm hơn các ngọn núi khác trong dãy Thất Sơn. Nhóm tìm trầm ở tỉnh Khánh Hòa do ông Quảng Trọng Khoa (52 tuổi) làm trưởng đoàn, hễ nghe “vệ tinh” cho hay nơi nào có trầm hương là mọi người đến tận nơi thu mua. Trước khi đến vùng Bảy Núi “săn” trầm hương, nhóm của ông Khoa đã xin phép ngành Kiểm lâm để vào rừng tìm mua những cây trầm lâu năm trên núi. Ông Khoa cho biết mỗi chuyến đi mua trầm kéo dài 6 tháng ròng nên các thành viên trong đoàn phải đem đồ dùng theo, khi nào thu hoạch hết trầm mới trở về với gia đình.
Ông Trần Văn Thuận, người có trên 20 năm lấy trầm, nói: “Tất cả các khâu bóc tách trầm hương đều làm bằng thủ công. Thường, nếu một cây gió bầu cho trầm hương phải trồng ít nhất 10 năm. Sau đó, muốn tạo trầm phải khoan sâu vào thân cây gió bầu nhiều lỗ, rồi nhét thuốc vào, khoảng 2 năm, cây gió bầu sẽ cho trầm. Lúc này mới tiến hành lấy trầm. Nếu để sau 2 năm mà không khai thác thì trầm hương sẽ tự hủy”.
Nói về cây trầm núi Cấm, ông Thuận quả quyết: “Trầm hương núi Cấm đạt chất lượng cao hơn cây trầm ở Ba Chúc, ô Sìn, ô Tà Sóc, núi Tô (Tri Tôn)… Thậm chí, cả cây trầm ở Ba Hòn, Phú Quốc (Kiên Giang) chất lượng cũng không sao sánh bằng trầm hương ở đây. Ông Thuận nói thêm, trên núi hiện còn khoảng vài trăm cây gió bầu cổ thụ có bề hoành từ 100 - 200 cm, nhưng chủ vườn chưa chịu bán. Thường những cây tự nhiên như vậy cho giá trị trầm rất cao.
Nhóm tìm trầm đang miệt mài đẽo cây tóc lấy trầm |
Dễ trồng, lợi nhuận cao
Quan sát nhóm lấy trầm hương của ông Khoa, chúng tôi thật sự khâm phục trước đôi bàn tay khéo léo của họ. Từng đường đục, đẽo rất chính xác. Ông Phạm Trọng là một trong những “nghệ nhân” giỏi về kỹ thuật lấy trầm trong đoàn. Giơ miếng trầm vừa mới xủi xong, ông Trọng giải thích: “Một cây gió bầu cho trầm tốt phải là cây có bọng bên trong. Công đoạn đầu tiên là vạt bỏ những thớ bên ngoài. Khi đến gần phần bọng cây phải dùng chiếc đục trúm xủi tiếp, nhưng phải hết sức cẩn thận. Trong quá trình xủi, cây đục phải mài cho bén như dao lam thì lấy trầm mới hiệu quả. Một cây trầm trông bề ngoài to nhưng khi đẽo sâu vào trong chỉ lấy được khoảng vài miếng trầm hương nho nhỏ”. Công đoạn tiếp theo là sơ chế thành bột làm nhang, nấu tinh dầu hoặc bán sang các nước Thái Lan, Trung Quốc…
Cũng theo nhóm tìm trầm hương, mỗi kg trầm hương hiện có giá từ 3 - 5 triệu đồng. Với giá này, nhiều người dân trên núi Cấm có thu nhập khá cao từ việc trồng cây gió bầu. Một trong những hộ khá nhờ cây gió bầu phải kể đến gia đình ông ba Lưới. Ông Quảng Trọng Khoa cho biết: “Cây trầm rất dễ trồng, lại chịu được khí hậu khắc nghiệt, không cần tốn công chăm sóc. Nếu người dân trên núi Cấm biết phát huy lợi thế này thì sẽ có cơ hội làm giàu”.
Trường An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét